Gạch lát nền chống nồm thực chất không phải là tên một loại gạch cụ thể mà dùng để chỉ những sản phẩm gạch ốp lát có thể giúp hạn chế những tác hại do hiện tượng nồm mang lại. Thông thường, việc chọn gạch lát nền chống nồm chủ yếu dựa vào các yếu tố như chất liệu, độ hút nước và thiết kế bề mặt gạch.
1. Dựa vào chất liệu gạch
Với giải pháp chống nồm ẩm bằng gạch ốp lát, nên chọn gạch granite bởi loại gạch này được làm chủ yếu từ bột đá và được nung ở nhiệt độ rất cao. Do đó, liên kết phân tử của dòng gạch này rất bền chặt, giúp ngăn chặn tình trạng thấm nước.
2. Độ hút nước của gạch
Trời nồm ẩm khiến sàn nhà dễ bị đọng nước nên những loại gạch có độ hút nước càng cao thì càng dễ gây ra hiện tượng đổ mồ hôi. Do đó, khi thi công lát sàn, có thể lựa chọn các loại gạch có chất liệu granite, porcelain với độ hút nước thấp để hạn chế việc sàn nhà bị đổ mồ hôi dù trong điều kiện độ ẩm không khí cao.
3. Dựa vào bề mặt gạch
Bên cạnh chất liệu và khả năng hút nước, bề mặt gạch là một trong những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn gạch lát sàn chống nồm. Trong đó, lựa chọn loại gạch men khô sẽ là giải pháp chống nồm tối ưu, giúp hạn chế tình trạng trơn trượt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cụ thể, các loại gạch có bề mặt nhám, sần sẽ giúp giảm diện tích tiếp xúc của không khí mang hơi nước, từ đó giúp hạn chế tình trạng ngưng tụ nước trên nền nhà.
4. Dựa vào khả năng kháng khuẩn
Không khí trong nhà ẩm ướt là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây hại cho sức khỏe con người. Do đó, các dòng gạch ion âm, gạch kháng khuẩn có khả năng diệt các vi khuẩn, chống bám bẩn và tự làm sạch bề mặt gạch.
Ngoài khả năng kháng khuẩn, bảo vệ sức khỏe, các dòng gạch này còn có độ cứng, chống mài mòn cao, trơn truowtk cùng với kích thước, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhiều không gian nội, ngoại thất.
Giải pháp chống nền nhà đổ mồ hôi mùa nồm ẩm
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn các loại gạch ốp lát chống nồm, nên xử lý hiện tượng sàn bị đổ mồ hôi ngay từ thời điểm xây nhà.
Trong quá trình thi công, có thể sử dụng cát vàng đầm chặt, sau đó dùng một lớp xỉ than dày 10-15 cm lót dưới nền nhà trước khi dùng gạch lát nền hoàn thiện. Cách làm này nhằm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí vào sàn nhà, hạn chế nước đọng trên sàn.
Ngoài ra khi thiết kế sàn, nên chọn các loại vật liệu phù hợp, chống ngưng đọng nước như gỗ hoặc tấm lát nhựa composite, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt… với kích cỡ phù hợp. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói để tăng khả năng hút ẩm.
Với những ngôi nhà đã hoàn thiện, có thể khắc phục tình trạng nồm ẩm bằng cách hạ thấp nhiệt độ không khí, giảm độ ẩm không khí trong nhà, nâng nhiệt độ bề mặt kết cấu cao hơn nhiệt độ điểm sương.
Nguồn: https://vatlieuxaydung.org.vn/vlxd-hoan-thien/vlxd-hoan-thien-mat-san/su-dung-gach-lat-nen-chong-nom-co-hieu-qua-17727.htm